1. Căn cứ pháp lý
Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai
2. Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 6 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau:
1. Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp.
2. Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp.
3. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận.
4. Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật như: Cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
5. Thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành (bản án hoặc quyết định của Tòa án về trường hợp khác, không thuộc 4 trường hợp trên).
3. Thẩm quyền, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp
Thủ tục dưới đây áp dụng đối với trường hợp 4; các trường hợp khác người sử dụng đất có nghĩa vụ nộp lại Giấy chứng nhận.
* Thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận
Căn cứ theo khoản 3 Điều 106 và Điều 105 Luật Đất đai năm 2013, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, cụ thể:
– UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
– UBND cấp huyện quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
* Thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận
Căn cứ khoản 4 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, tùy thuộc vào người phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật mà có quy định thu hồi riêng đối với từng trường hợp, cụ thể:
Trường hợp 1: Cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra có văn bản kết luận Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định
Trường hợp cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra có văn bản kết luận Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét:
– Nếu kết luận đó là đúng thì quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.
– Nếu xác định Giấy chứng nhận đã cấp là đúng quy định thì phải thông báo lại cho cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra.
Trường hợp 2: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tự phát hiện
Theo điểm b khoản 4 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 56 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định thì kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận.
Trường hợp 3: Người sử dụng đất phát hiện
Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 56 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, trường hợp người sử dụng đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định thì gửi kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm kiểm tra, xem xét quyết định thu hồi Giấy chứng nhận.
Theo điểm a khoản 4 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, kiến nghị của người sử dụng đất phải thể hiện dưới dạng văn bản, gồm các giấy tờ sau:
– Đơn phản ánh việc cấp Giấy chứng nhận không đúng quy định.
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
* Thời gian thực hiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bao lâu?
Tùy từng trường hợp mà pháp luật định ra thời gian thực hiện thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:
– Trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh hoặc thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo cho người dân bị thu hồi đất chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp, chậm nhất 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp sau đó sẽ tiến hành thu hồi giấy chứng nhận;
– Trường hợp thu hồi đất do Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính trong thời hạn 20 ngày làm việc
– Trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính không quá 45 ngày làm việc.
4. Việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp được thực hiện như thế nào khi bản án có hiệu lực chưa có kết luận về vấn đề này?
Căn cứ theo điểm d khoản 2, khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Điều 106. Đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp
…
2. Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:
…
d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
3. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.”
Theo đó, nếu trong bản án của Tòa không đề cập đến việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bản án có đề cập đến việc Giấy chứng nhận này cấp không đúng theo các trường hợp tại điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 thì Ủy ban nhân dân vẫn thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng dẫn tại khoản 7, khoản 8 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
“Điều 87. Thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp
…
7. Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều này mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không giao nộp Giấy chứng nhận thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp;
chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định; lập danh sách Giấy chứng nhận đã bị hủy gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai để thông báo công khai trên trang thông tin điện tử.
8. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật do lỗi của người sử dụng đất hoặc do cấp không đúng đối tượng thì hướng dẫn cho người sử dụng đất làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định.”
Theo đó, trong trường hợp thu hồi mà người phải thi hành không giao nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm:
– Báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp;
– Chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định;
– Lập danh sách Giấy chứng nhận đã bị hủy gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai để thông báo công khai trên trang thông tin điện tử.
Sau đó thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được thi hành án theo bản án của Tòa án.
Về trình tự cấp Giấy chứng nhận vẫn thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP (Điều 70, 79, 82 Nghị định này tùy vào nguồn gốc, hồ sơ của thửa đất).
5. Việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
“Điều 87. Thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp
…
6. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành.”
Theo đó, việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành không thuộc các trường hợp sau:
– Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;
– Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
– Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp được thực hiện như thế nào khi bản án có hiệu lực chưa có kết luận về vấn đề này?
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!