Theo Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự của người chưa thành niên có đương nhiên vô hiệu không?

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

 2. Giao dịch dân sự của người chưa thành niên là gì?

Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo khoản 1 Điều 21 Luật này thì người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

Năng lực chủ thể của người chưa thành niên bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Năng lực pháp luật có từ khi người đó được sinh ra, còn năng lực hành vi dân sự có khi người đó đủ 6 tuổi trở lên. Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, mặc dù có năng lực hành vi dân sự  nhưng năng lực này chưa đầy đủ. Trong phạm vi người chưa thành niên, pháp luật phân chia thành 3 nhóm đó là nhóm chưa đủ 6 tuổi, từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi và từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.

Như vậy, giao dịch dân sự của người chưa thành niên có thể hiểu là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương do người chưa đủ mười tám tuổi thực hiện làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

 3. Giao dịch dân sự vô hiệu khi nào?

Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác. Các điều kiện được quy định tại Điều 117 bao gồm:

  • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện:

“tự nguyện” là yếu tố cần thiết để đánh giá hợp đồng đó có trung thực không, có hiệu lực không. Tự nguyện yêu cầu phải có sự thống nhất giữa ý chí và sự bày tỏ ý chí.

Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

  • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội:

Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. (Điều 118 BLDS 2015). Điều kiện này có nghĩa là toàn bộ những điều khoản mà các bên cam kết thỏa thuận phải tuân thủ các quy định của pháp luật về nội dung và mục đích.

  • Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định:

Khoản 2 Điều 118 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

4. Quy định pháp luật về giao dịch dân sự của người chưa thành niên

Giao dịch dân sự của người chưa đủ 06 tuổi

Theo khoản 2 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

Người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên được quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 là cha, mẹ của người đó. Do đó, người dưới 06 tuổi muốn xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải thông qua cha, mẹ.

Mặt khác, điểm a khoản 2 Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó sẽ không bị vô hiệu. Giao dịch dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của một cá nhân có thể được hiểu là những giao dịch như mua lương thực, nhu yếu phẩm hàng ngày.

Giao dịch dân sự của người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi

Khoản 3 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Như vậy, người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi muốn xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của cha, mẹ nhưng loại trừ các giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Tình huống thực tế: Vợ chồng tôi có mua cho con trai tôi một chiếc xe đạp thể thao trị giá 4.500.000 đồng để làm phương tiện đi học và đạp xe thể dục rèn luyện sức khỏe. Năm nay, con trai tôi 14 tuổi 10 tháng, cháu đã tự bán chiếc xe đạp này cho cháu Q 12  tuổi là người cùng làng để lấy 2.300.000 đồng. Giờ chúng tôi muốn lấy xe và trả lại khoản tiền cho cháu Q có được không?

Chiếc xe đạp do vợ chồng bạn mua cho con, cần được coi là tài sản riêng của con bạn. Về quyền có tài sản riêng của con được pháp luật quy định tại Điều 75 của Luật Hôn nhân và gia đình. Nhưng để tránh việc con chưa thành niên sử dụng tài sản riêng một cách không hợp lý, dễ dẫn đến những vấn đề phức tạp, nên pháp luật đã quy định trao cho cha mẹ quyền quản lý, định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên trong một số trường hợp nhất định. Theo đó, tại khoản 2 Điều 76 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 77 của Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định cụ thể về việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên như sau:

Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con“.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 21 của Bộ luật Dân sự quy định:

Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi“.

Về căn cứ pháp lý, thì căn cứ vào khoản 3 Điều 21 của Bộ luật Dân sự đã nêu trên, thì việc con trai của bạn do chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (vợ chồng bạn là người đại diện theo pháp luật của con trai bạn).

Nghĩa là việc con trai của bạn khi đem bán chiếc xe đạp thể thao cho cháu Q mà chưa được vợ chồng bạn đồng ý là giao dịch dân sự vô hiệu và quy định về giao dịch dân sự vô hiệu được quy định rõ tại Điều 125 của Bộ luật dân sự về giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên xác lập, thực hiện:

Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên … xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý“….

Do giao dịch của con trai bạn với cháu Q là vô hiệu và theo quy định tại khoản 2 Điều 131 của Bộ luật Dân sự về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Theo đó, thì con trai của bạn sẽ phải trả lại cho cháu Q số tiền 2.300.000 đồng và cháu Q phải trả lại con trai của bạn chiếc xe đạp thể thao.

Giao dịch dân sự của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi

Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Do đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Tuy nhiên, đối với các giao dịch mang tính chất phức tạp, có giá trị lớn như: bất động sản, động sản phải đăng ký… thì phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật là cha, mẹ thì mới có hiệu lực pháp luật.

Tình huống thực tế: Tôi có hai con, một cháu 20 tuổi và một cháu 17 tuổi. Tôi dự định sẽ cho hai con tôi một số tiền bằng cách mua nhà để hai con tôi đứng tên trong hợp đồng mua bán nhà và trong giấy chứng nhận. Tôi đang băn khoăn là có đứa con chưa thành niên (17 tuổi) liệu cháu có đứng tên giao dịch mua nhà được không?

Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự quy định:

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Về nguyên tắc thì người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Trường hợp trên, con bạn 17 tuổi thì khi xác lập giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản phải đăng ký theo quy định của pháp luật thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

4. Giao dịch dân sự của người chưa thành niên có hiệu lực không?

Theo Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015, theo yêu cầu của người đại diện hợp pháp thì Tòa án sẽ tuyên bố giao dịch vô hiệu đối với giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập, thực hiện nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ các trường hợp sau đây:

  • Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
  • Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
  • Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

Từ quy định trên có thể thấy rằng, pháp luật chỉ trao quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu đối với giao dịch dân sự của người chưa thành niên cho người đại diện hợp pháp của họ. Do đó người xác lập giao dịch với người chưa thành niên cần lưu ý cẩn thận để tránh giao dịch bị vô hiệu.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Theo Bộ luật Dân sự 2015, Giao dịch dân sự của người chưa thành niên có đương nhiên vô hiệu không?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120