1. Căn cứ pháp lý
2. Hợp đồng gia công là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt thì gia công có nghĩa là bỏ công sức để hoàn thành tốt việc gì đó. Hợp đồng gia công khá phổ biến trên thực tế, ví dụ: hợp đồng gia công quần áo, giày dép của các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam cho các công ty nổi tiếng ở nước ngoài như Adidas, Nike; trong cuộc sống các dạng hợp đồng gia công thường thấy như thuê thợ cắt may quần áo, thuê điêu khắc trạm trổ…
Hoạt động thực hiện một công việc tạo ra một sản phẩm cụ thể dựa theo yêu cầu chủ quan của một chủ thể nào đó được hiểu là hoạt động gia công. Hoạt động này phát sinh trên cơ sở thỏa thuận của các chủ thể, theo đó bên gia công thực hiện một công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công và bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công được coi là hợp đồng gia công.
Dưới góc độ pháp lý, Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.
Như vậy, hợp đồng gia công được xác lập theo sự thỏa thuận của các bên. Đối tượng của hợp đồng là vật được xác định trước theo mẫu; theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Khi thực hiện hợp đồng, bên nhận gia công phải giao sản phẩm; và bên đặt gia công phải nhận sản phẩm theo đúng thời hạn và tại địa điểm đã thỏa thuận. Về tiền công, bên đặt gia công phải trả đủ tiền công vào thời điểm nhận sản phẩm; trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, khi hợp đồng chấm dứt; bên nhận gia công phải hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công; trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Những điều khoản cần có trong hợp đồng gia công
Hợp đồng gia công được lập thành văn bản, có thể sử dụng các mẫu hợp đồng có sẵn hoặc do các bên tự soạn, trong đó cần đảm bảo thể hiện đầy đủ các nội dung sau:
– Thông tin của các bên ký hợp đồng (bên thuê gia công và bên nhận gia công): Họ tên, địa chỉ, điện thoại,…
– Đối tượng của hợp đồng (sản phẩm cần gia công là gì?);
– Nguyên liệu gia công;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Thời gian sản xuất và giao sản phẩm;
– Thanh toán hợp đồng;
– Chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công
– Trách nhiệm chịu rủi ro;
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Lưu ý về loại hàng hóa được phép gia công
Theo quy định tại Điều 180 Luật Thương mại 2005, hàng hóa gia công phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Hàng hóa gia công không thuộc các loại hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh như: Các chất ma túy; các loại hóa chất khoáng vật; mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên… theo quy định.
– Hàng hóa gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất nhập khẩu chỉ có thể được gia công khi gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép như: Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự; Các sản phẩm mật mã được dùng để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước; Gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ gỗ rừng tự nhiên trong nước;…..
Các mặt hàng cấm nhập khẩu như: các loại hàng đã qua sử dụng bao gồm: Hàng dệt may, giày dép, quần áo; Hàng điện tử; Hàng điện lạnh;…
3. Đặc điểm của hợp đồng gia công
- Hợp đồng gia công là hợp đồng song vụ: Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà các bên chủ thể đều có nghĩa vụ. Mỗi bên đều vừa có quyền lại vừa có nghĩa vụ. Quyền dân sự của bên này đối lập tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể bên kia
- Hợp đồng gia công là hợp đồng có tính chất đền bù: Khoản tiền mà bên đặt gia công phải trả cho bên nhận gia công sau khi hoàn thành công việc là khoản tiền công cho việc bỏ công sức, trí tuệ, chi phí để tạo ra sản phẩm cho bên đặt gia công, tiền công do các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
- Hợp đồng gia công là hợp đồng ưng thuận: Hợp đồng gia công có hiệu lực ngay từ thời điểm các bên đã thỏa thuận xong các điều khoản cơ bản của hợp đồng. Hợp đồng gia công không bao giờ có thể được thực hiện và chấm dứt ngay tại thời điểm giao kết, mà luôn đòi hỏi một khoảng thời gian đủ để bên nhận gia công có thể thực hiện được việc gia công của mình. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn thì thời hạn được tính là khoảng thời gian hợp lý để thực hiện việc gia công đó.
- Hợp đồng gia công là hợp đồng có đối tượng là công việc phải thực hiện theo yêu cầu.
4. Đối tượng của hợp đồng gia công
Điều 543 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Đối tượng của hợp đồng gia công là công việc gia công mà các bên hướng đến. Kết quả của việc thực hiện công việc gia công là tạo ra các sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, vì vậy nếu các bên trong hợp đồng gia công không thỏa thuận rõ ràng, cụ thể về đối tượng thì hợp đồng gia công sẽ không thể thực hiện được hoặc nếu có thực hiện thì sẽ dẫn đến sự nhầm lẫn.
5. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gia công
5.1. Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công
Nghĩa vụ của bên đặt gia công
- Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.
- Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.
- Trả tiền công theo đúng thoả thuận.
Quyền của bên đặt gia công
- Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thoả thuận.
- Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
- Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thoả thuận thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
5.2. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công
Nghĩa vụ của bên nhận gia công
- Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp.
- Báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội.
- Giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thoả thuận.
- Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.
- Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.
- Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.
Quyền của bên nhận gia công
- Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thoả thuận.
- Từ chối sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công.
- Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thoả thuận.
6. Trách nhiệm chịu rủi ro
Cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.
7. Giao, nhận sản phẩm gia công
Bên nhận gia công phải giao sản phẩm và bên đặt gia công phải nhận sản phẩm theo đúng thời hạn và tại địa điểm đã thoả thuận.
Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thoả thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.
8. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công
Mỗi bên đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công, nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.
Bên đặt gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải trả tiền công tương ứng với công việc đã làm, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Bên nhận gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì không được trả tiền công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường. Khi gây thiệt hại phải bồi thường luôn được xác định là nguyên tắc trong quan hệ dân sự. Khi gây thiệt hại thì bên có lỗi có trách nhiệm phải khôi phục lại các quan hệ đã bị xâm phạm nên trong hợp đồng gia công cũng không ngoại lệ.
9. Trả tiền công
Bên đặt gia công phải trả đủ tiền công vào thời điểm nhận sản phẩm, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Trường hợp không có thoả thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình đối với việc tạo ra sản phẩm cùng loại tại địa điểm gia công và vào thời điểm trả tiền.
Bên đặt gia công không có quyền giảm tiền công, nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà mình đã cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của mình.
10. Phân biệt hợp đồng gia công và hợp đồng mua, bán tài sản
Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công. (Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015)
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. (Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015)
Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản là tài sản được quy định tại Bộ luật này. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó. Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán.
Có thể thấy, hợp đồng mua bán tài sản có đối tượng là tài sản, còn hợp đồng gia công có đối tượng là công việc tạo ra sản phẩm.
Giá trong hợp đồng gia công là sự phức hợp bởi hai yếu tố: nguyên vật liệu; công sức bỏ ra để gia tạo sản phẩm. Còn giá trong hợp đồng mua bán có thể là sự phức hợp bởi một số yếu tố: giá của tài sản; lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tài sản của một hoặc nhiều chủ thể…
Từ phân tích trên, chúng ta đã có những căn cứ để phân biệt hai loại hợp đồng này.
Ví dụ: A đi đàm phán giao kết hợp đồng gia công sản phẩm bàn ghế, nhưng khi tới xưởng của B thấy tại xưởng có toàn bộ số sản phẩm theo mẫu mã mà mình định đặt A mua luôn. Thậm chí A có nguyên vật liệu và thực hiện hoạt động trao đổi nguyên vật liệu với sản phẩm đã được gia công của B và trả tiền chênh lệch.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Hợp đồng gia công theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!