Biện pháp bảo đảm cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành 2022

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

2. Cầm cố tài sản là gì?

cầm cố tài sảnTheo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Cầm cố là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của pháp luật dân sự.

Khi lựa chọn biện pháp cầm cố tài sản, bên có nghĩa vụ với mục đích đảm bảo với bên có quyền rằng bản thân mình chắc chắn thực hiện nghĩa vụ đó, nếu không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, bên có quyền sẽ sử dụng những biện pháp được pháp luật quy định nhằm xử lý tài sản cầm cố thay cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.

Ngược lại, đối với bên có quyền, lựa chọn biện pháp cầm cố tài sản là để đảm bảo rằng quyền của mình sẽ được bảo đảm bằng hành vi hoặc bằng tài sản của bên có nghĩa vụ.

3. Đặc điểm của cầm cố tài sản

  • Quan hệ cầm cố cần đòi hỏi phải có sự chuyển giao tài sản bảo đảm từ bên cầm cố sang bên nhận cầm cố quản lý trong thời hạn của hợp đồng cầm cố. Quyền tài sản hay tài sản hình thành trong tương lai phải có các giấy tờ pháp lý cụ thể để xác định quyền sở hữu của bên bảo đảm và chắc chắn nó sẽ hình thành trong tương lai sẽ trở thành đối tượng của các giao dịch bảo đảm.

Do vậy, các bên có thể lựa chọn các loại tài sản này là đối tượng của biện pháp cầm cố bằng cách khi giao kết hợp đồng sẽ chuyển giao các giấy tờ liên quan và khi tài sản hình thành hay quyền tài sản được thanh toán sẽ yêu cầu bên cầm cố chuyển giao bản thân những tài sản đó cho bên nhận cầm cố.

  • Biên bản bàn giao tài sản hay việc ký kết nhận tài sản bảo đảm là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ cầm cố
  • Cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản là hợp đồng phụ mang tính chất bổ sung cho hợp đồng chính. Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
  • Là các biện pháp đảm bảo nghĩa vụ dân sự, tồn tại với mục đích nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự trong phạm vi đã thỏa thuận.
  • Đối tượng của cầm cố là tài sản của bên cầm cố hoặc bên thế chấp được phép giao dịch và phải bảo đảm có giá trị thanh toán cao

4. Nội dung của cầm cố tài sản

a. Đối tượng của cầm cố tài sản

Đối tượng của cầm cố tài sản chỉ có thể là tài sản. Bản chất của cầm cố là việc bên cầm cố phải giao tài sản cho bên nhận cầm cố nên tài sản cầm cố chỉ có thể là vật có sẵn vào thời điểm giao dịch cầm cố được xác lập. Giấy tờ có giá chỉ có thể là tài sản cầm cố nếu bản thân giấy tờ đó là một loại tài sản.

Vật cầm cố có thể là động sản hoặc bất động sản (nếu pháp luật có quy định) nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Thứ nhất, vật cầm cố phải thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố (Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015).
  • Thứ hai, vật cầm cố phải là vật được phép chuyển giao.

b. Hiệu lực và thời hạn của cầm cố tài sản

Hiệu lực của cầm cố tài sản

Điều 310 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hiệu lực của cầm cố tài sản như sau:

Điều 310. Hiệu lực của cầm cố tài sản

  1. Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
  2. Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.

Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Như vậy, thời điểm giao kết hợp đồng cầm cố được xác định là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác. Do đó, thời điểm này được xác định như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào hình thức và phương thức giao kết hợp đồng, cụ thể:

  • Thời điểm giao kết hợp đồng cầm cố bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
  • Thời điểm giao kết hợp đồng cầm cố bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản như điểm chỉ, đóng dấu…
  • Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo hình thức bằng lời nói vì từ thời điểm đó các nội dung của hợp đồng đã được thỏa thuận xong và hợp đồng đã hình thành.
  • Nếu hợp đồng được giao kết bằng phương tiện điện tử thì theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định: “Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, thời điểm nhận một chứng từ điện tử là thời điểm chứng từ điện tử đó tới được địa chỉ điện tử do người nhận chỉ ra và có thể truy cập được”.

Bên cạnh đó, cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Trường hợp đối tượng của cầm cố là bất động sản thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Thời hạn cầm cố tài sản

Thời hạn cầm cố tài sản do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận thì thời hạn cầm cố tài sản được tính từ thời điểm bên cầm cố nhận tài sản cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố.

c. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong cầm cố tài sản

Quyền của bên cầm cố

  • Yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 314 của Bộ luật này (Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thoả thuận) nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
  • Yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.
  • Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.
  • Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật

Nghĩa vụ của bên cầm cố

  • Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận.
  • Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền huỷ hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố.
  • Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Quyền của bên nhận cầm cố

  • Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.
  • Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
  • Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thoả thuận.
  • Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.

Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố

  • Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
  • Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
  • Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

d. Chấm dứt cầm cố tài sản và xử lý tài sản cầm cố

Cầm cố tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  • Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt;
  • Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
  • Tài sản cầm cố đã được xử lý;
  • Theo thoả thuận của các bên.

Khi việc cầm cố tài sản chấm dứt theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 315 của Bộ luật này (khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt; việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác) hoặc theo thỏa thuận của các bên thì tài sản cầm cố, giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố được trả lại cho bên cầm cố. Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

5. Tranh chấp hợp đồng cầm cố tài sản

Vào ngày 13 tháng 01 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tam Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 147/2020/TLST – DS ngày 07 tháng 7 năm 2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng cầm cố tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 112/2020/QĐXXST – DS ngày 25/12/2020 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Đinh Thị T, sinh năm 1974 (Có mặt) Nơi cư trú: ấp Phú An, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Chổ ở hiện nay: số A, ấp B, xã D, Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Bị đơn: 1/ Ông Phan Thanh H, sinh năm 1982 (Có mặt)

2/ Bà Nguyễn Thị Mỹ L, sinh năm 1985 (Vắng mặt) Đại diện theo ủy quyền của bà L có ông Phan Thanh H, sinh năm 1982 (Có mặt) Cùng Nơi cư trú: ấp A, xã B, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Người có quyền lợi nghĩa vụ L quan: Ông Lâm Công T, sinh năm 1971 (Vắng mặt) Nơi cư trú: ấp A, xã B, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Đại diện theo ủy quyền của ông T có bà Đinh Thị T, sinh năm 1974 (Có mặt) Nơi cư trú: ấp A, xã B, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Chổ ở hiện nay: số A, ấp B, xã C, Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

NỘI DUNG VỤ ÁN

– Tại đơn khởi kiện ngày 20/6/2020 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa nguyên đơn bà Đinh Thị T trình bày:

Vào ngày 30/02/2019, ông H, bà L có đến nhà của bà T để cầm 01 chiếc xe tải biển số: 64C – 05674 số tiền là 60.000.000đồng, có làm giấy tay, có thỏa thuận lãi suất là 5%/tháng. Đến tháng 05/2019 có trả được số tiền vốn là 24.000.000đồng, không đóng lãi, số tiền lãi từ tháng 02/2019 đến tháng 05/2019 bà T không yêu cầu ông H, bà L trả. Còn nợ lại 36.000.000đồng, có ghi biên nhận nợ ngày 20/5/2019 nhưng đến nay chưa trả.

Nay bà T yêu cầu ông H, bà L trả số vốn 36.000.000đồng và số tiền lãi tính từ ngày 20/8/2019 đến ngày 20/12/2020 là 16 tháng với lãi suất là 1%/tháng, thành tiền là 5.760.000đồng. Tổng cộng vốn và lãi là 41.760.240.000đồng và yêu cầu tiếp tục tính lãi cho đến khi trả dứt nợ.

– Tại bản tự khai ngày 31/8/2020 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa bị đơn vợ chồng ông Phan Thanh H, bà Nguyễn Thị Mỹ L có ông Phan Thanh H đại diện theo ủy quyền trình bày:

Vào tháng 02/2019 vợ chồng ông H, bà L có đến Tiệm cầm đồ của bà T tên là Công T để cầm chiếc xe tải 64C – 05674, kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Phan Thanh B đứng tên, không nhớ rõ số thửa, diện tích là bao nhiêu, với số tiền là 80.000.000đồng nhưng hiện nay hợp đồng cầm cố (biên nhận) là ông H không giữ do bà T người giữ.

Khi cầm đồ có làm giấy tay tại nhà bà T, vợ chồng ông H, bà L không giữ bất cứ giấy tờ gì. Không thỏa thuận thời hạn cầm, thỏa thuận miệng lãi suất là bao nhiêu không biết nhưng bà T có đến nhà thu 04 lần lãi là 8.000.000đồng từ tháng 02/2019 đến tháng 05/2019, nhưng không trả vốn.

Đến ngày 20/5/2019 bà T có kêu ông H lại nhà bà T để xác nhận số tiền nợ lãi là 36.000.000đồng, có ký biên nhận biên nhận nợ là 36.000.000đồng, thời hạn trả là 03 tháng, không tính lãi. Ông H thừa nhận chữ ký trong biên nhận nợ là chữ ký của ông H.

Chiều cùng ngày 20/5/2019 ông H cầm số tiền 80.000.000đồng đến nhà bà T để trả số tiền vốn, khi trả có làm giấy tay, giấy tay bà T giữ hiện nay ông H, bà L không có giữ. Khi trả tiền thì có chồng bà T và người làm của bà T chứng kiến, trả tiền xong thì bà T đã trả cho ông H giấy tờ xe và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản chính cho ông H.

Nay vợ chồng ông H, bà L không đồng ý trả số vốn 36.000.000đồng và số tiền lãi tính từ ngày 20/8/2019 đến ngày 20/12/2020 là 16 tháng với lãi suất là 1%/tháng, thành tiền là 5.760.000đồng. Tổng cộng vốn và lãi là 41.760.000đồng.

Người có quyền lợi nghĩa vụ L quan ông T đại diện có bà T trình bày: Ông T thống nhất theo lời trình bày của bà T không có yêu cầu độc lập gì trong vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về trình tự và thủ tục tố tụng: Tòa án nhân dân huyện Tam Bình tiến hành thụ lý, giải quyết vụ án theo đúng trình tự thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Toà án đã tiến hành thụ lý, giải quyết vụ án theo trình tự, thủ tục và thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng hợp lệ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Xét thấy vụ án không có thu thập các tài liệu, chứng cứ do đương sự tự cung cấp nên vụ án không thuộc trường hợp Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phải tham gia.

[2] Về nội dung yêu cầu khởi kiện:

Tại phiên tòa bà T vẫn giữ yêu cầu vợ chồng ông H, bà L trả số tiền vốn là 36.000.000 đồng và số tiền lãi tính từ ngày 20/8/2019 đến ngày 20/12/2020 là 16 tháng với lãi suất là 1%/tháng, thành tiền là 5.760.000đồng. Tổng cộng vốn và lãi là 41.760.000đồng và yêu cầu tiếp tục tính lãi cho đến khi trả dứt nợ.

Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu khởi kiện của bà T là có cơ sở chấp nhận. Bởi lẽ, việc cầm cố tài sản giữa bà T và vợ chồng ông H, bà L đối với số tiền 36.000.000đồng thì giữa các bên có viết giấy nhận nợ và vợ chồng ông H, bà L cũng thừa nhận có nợ bà T số tiền này.

Do đó đây là sự việc có thật, các bên đã thừa nhận nên không cần phải chứng minh theo Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với yêu cầu về lãi suất 1%/ tháng của bà T yêu cầu đối với số tiền 36.000.000đồng, yêu cầu tính lãi từ ngày 20/8/2019 đến ngày 20/12/2020 là 16 tháng với lãi suất là 1%/tháng, thành tiền là 5.760.000đồng là có căn cứ chấp nhận.

Tại phiên tòa hôm nay, ông H, bà L có ông H làm đại diện không đồng ý trả vốn và lãi là 41.760.000đồng cho bà T, vì cho rằng đã trả xong nợ cho bà T vào ngày 20/5/2020 nhưng không đưa ra chứng cứ chứng minh cho việc trả nợ.

Từ những nhận định trên Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T.

Buộc ông Phan Thanh H, bà Nguyễn Thị Mỹ L có trách nhiệm trả cho bà Đinh Thị T số tiền vốn 36.000.000đồng và lãi suất tính từ ngày 20/8/2019 đến ngày 20/12/2020 là 5.760.000đồng. Tổng cộng vốn và lãi là 41.760.000đồng.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm:

+ Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn bà L, ông H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền 41.760.000đồng x 5% = 2.088.000đồng.

+ Hoàn cho bà T số tiền tạm ứng án phí đã nộp 1.017.000đồng theo biên lai thu số 0010304 ngày 03/7/2020 của cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tam Bình.

[4] Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo luật định.

Vì những lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 39, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 309, Điều 311, Điều 312, Điều 313, Điều 314 của Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đinh Thị T.

Buộc ông Phan Thanh H, bà Nguyễn Thị Mỹ L có trách nhiệm trả cho bà Đinh Thị T số tiền vốn 36.000.000đồng và lãi suất tính từ ngày 20/8/2019 đến ngày 20/12/2020 là 5.760.000đồng. Tổng cộng vốn và lãi là 41.760.000đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

+ Ông H, bà L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 2.088.000đồng.

+ Hoàn cho bà T số tiền tạm ứng án phí đã nộp 1.017.000đồng theo biên lai thu số 0010304 ngày 03/7/2020 của cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tam Bình.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử công khai, báo cho đương sự được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Riêng các đương sự vắng mặt tại phiên tòa, hạn kháng cáo 15 ngày được tính kể từ ngày bản án được giao hoặc được niêm yết

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Biện pháp bảo đảm cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành 2022.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120