Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Luật Chăn nuôi 2018

2. Súc vật là gì?

bồi thường thiệt hại do súc vật gây raPháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể khái niệm súc vật. Tuy nhiên có thể dựa vào định nghĩa về vật nuôi tại Luật Chăn nuôi 2018 để hiểu về khái niệm súc vật.

Khoản 5, 6, 7, 8 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về vật nuôi, gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi như sau:

Vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi, trong đó:

  • Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.
  • Gia cầm là các loài động vật có 02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.
  • Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng thông thường, động vật thủy sản, danh mục động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Bản chất súc vật là động vật hoang dã, mang bản tính thú dữ đã được thuần hóa, chăn nuôi, nằm trong sự kiểm soát hoặc sống cùng môi trường với con người.

3. Quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra có nội dung cụ thể như sau:

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

 3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

 4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Như vậy, theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra thì các chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra bao gồm:

  • Một là, chủ sở hữu

Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do súc vật thuộc sở hữu của mình gây ra khi đang trực tiếp quản lý, sử dụng súc vật.

Chủ sở hữu là người có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt súc vật và hưởng hoa lợi, lợi tức do súc vật đem lại. Do đó, trong quá trình quản lý, sử dụng mà súc vật gây thiệt hại cho chủ thể khác thì chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bất kể chủ sở hữu có lỗi hay không có lỗi trong việc để súc vật gây thiệt hại.

Quy định này dựa trên lẽ công bằng, khi một người có quyền hưởng lợi ích từ tài sản thì cũng phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà tài sản đó gây ra cho người khác. Như vậy, theo quy định này trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu phát sinh từ quyền khai thác công dụng và hưởng lợi ích mà súc vật mang lại.

Chủ sở hữu có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Trường hợp súc vật được thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường theo tập quản nhưng không được trái với pháp luật và đạo đức xã hội.

  • Hai là, người chiếm hữu, sử dụng súc vật

Người chiếm hữu, sử dụng súc vật là những người được chủ sở hữu súc vật chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng thông qua các giao dịch dân sự như: cho thuê, cho mượn,…Theo đó, người chiếm hữu, sử dụng là chủ thể có quyền trong việc nắm giữ, sử dụng súc vật đó nhằm phục vụ các nhu cầu về lợi ích của mình như: sử dụng làm sức kéo, lấy sữa, lấy trứng,…hoặc nhận được một khoản tiền công từ việc quản lý, giám sát súc vật thay cho chủ sở hữu.

Dù trong trường hợp nào thì người chiếm hữu, sử dụng súc vật cũng có quyền và nghĩa vụ trong việc quản lý, sử dụng, trông giữ súc vật. Việc chiếm hữu, sử dụng cũng đem lại cho họ một số lợi ích nhất định, do đó, họ trở thành chủ thể phải chịu trách nhiệm với những thiệt hại do súc vật gây ra.

  • Ba là, người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật

Chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật là những trường hợp chủ thể có được tài sản không thông qua chuyển giao hợp pháp và không thuộc các trường hợp chiếm hữu khác theo quy định pháp luật.

Khi súc vật gây thiệt hại, với tư cách là người chiếm hữu, sử dụng tài sản, đồng thời còn vi phạm quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản nên người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật phải chịu toàn bộ trách nhiệm.

Đối với người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp tài sản họ có thể được miễn trừ trách nhiệm bồi thường, hoặc thỏa thuận với chủ sở hữu về việc không phải bồi thường hoặc giảm mức bồi thường.

Tuy nhiên, người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì không có quyền đó, bởi hành vi nắm giữ tài sản của họ đã là một hành vi trái pháp luật và không được bảo vệ. Theo đó, chính việc chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật đã làm tăng nguy cơ gây thiệt hại của súc vật cho những người xung quanh. Bởi vì, việc nắm giữ tài sản trái pháp luật không có cơ sở để họ biết được cách sử dụng, quản lý, chăm sóc súc vật phù hợp với đặc tính của nó để ngăn chặn thiệt hại xảy ra.

  • Bốn là, người thứ ba

Người thứ ba trong quan hệ bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là người không có quyền và nghĩa vụ gì với súc vật. Tức họ không phải chủ sở hữu, cũng không phải người chiếm hữu, sử dụng súc vật được chuyển giao quyền, cũng không phải người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật.

Tại thời điểm súc vật gây ra thiệt hại, họ không phải là chủ thể có nghĩa vụ quản lý, sử dụng súc vật, tuy nhiên họ vẫn phải chịu trách nhiệm với thiệt hại mà súc vật gây ra. Nguyên nhân xuất phát từ yếu tố lỗi của người thứ ba trong việc tác động, kích động súc vật khiến nó gây ra thiệt hại.

Thiệt hại không xuất phát từ việc súc vật tự gây ra, mà do tác động của người thứ ba. Bản thân nó không tự mình gây thiệt hại cho con người, mà đơn giản chỉ đang thực hiện hành vi tự vệ hoặc chạy trốn khỏi người thứ ba đã kích động nó, và gây thiệt hại cho người thứ ba. Do đó, cơ sở trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba trong trường hợp này là hoàn toàn phù hợp.

Các trường hợp liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra của từng chủ thể, pháp luật còn quy định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của các chủ thể trong một số trường hợp nhất định, cụ thể:

  • Một là, giữa người thứ ba và chủ sở hữu

Trong trường hợp người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi trong trường hợp để gia súc gây nên thiệt hại cho người khác thì phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong trường hợp này, người thứ ba là người có lỗi trong việc kích động, tác động đến súc vật khiến chúng gây thiệt hại; còn chủ sở hữu là người có lỗi trong việc không quản lý hoặc quản lý súc vật không chặt chẽ khiến cho người thứ ba có cơ hội tiếp cận. kích động súc vật. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì không làm phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của người thứ ba và chủ sở hữu.

Ví dụ: nhà A có một con chó dữ, nhưng A đã không khóa cổng, khi đi ngang qua B đã ném đá kích động con chó. Con chó sau khi bị kích động đã lao ra và cắn C, lúc đó vừa đi ngang qua. Trong trường hợp này cả A và B đều có lỗi trong việc gây thiệt hại cho C, vì vậy cả hai cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho C. Mức bồi thường được chia đều cho hai bên hoặc theo thỏa thuận.

  • Hai là, giữa người chiếm hữu, sử dụng tài sản và chủ sở hữu

Chủ sở hữu và người chiếm hữu, sử dụng tài sản phải liên đới bồi thường thiệt hại nếu cùng có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Trong trường hợp này, trách nhiệm của các bên được xác định dựa trên yếu tố lỗi.

Cả chủ sở hữu và người chiếm hữu, sử dụng tài sản đều có lỗi trong việc quản lý chặt chẽ gia súc khiến cho chủ thể khác có cơ hội chiếm đoạt. Do đó, họ có trách nhiệm phải cùng nhau bồi thường thiệt hại nếu súc vật bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho người khác.

4. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Tại Bộ luật dân sự năm 2015, căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường không được quy định trực tiếp trong Điều 603 mà quy định chung trong khoản 2 Điều 584 Bộ luật này. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được quy định như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Nếu không có thỏa thuận và luật không có quy định gì khác thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được loại trừ theo 2 căn cứ:

– Do sự kiện bất khả kháng;

– Hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Việc chứng minh sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại là nghĩa vụ của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật.

Như vậy, nếu họ không thể chứng minh có một trong hai căn cứ này xảy ra thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu súc vật gây thiệt hại.

5. Nguyên tắc và mức bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại do súc vật áp dụng nguyên tắc chung quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015.

  • Thứ nhất, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường toàn bộ và kịp thời các thiệt hại xảy ra cho bên bị thiệt hại.

Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

  • Thứ hai, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
  • Thứ ba, khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  • Thứ tư, bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình

Về mức bồi thường thiệt hại, có thể xác định tùy vào thiệt hại thực tế, về sức khỏe, tính mạng hay thiệt hại về tài sản do súc vật gây ra.

– Trường hợp thiệt hại về sức khỏe, mức bồi thường thiệt hại được xác định trên căn cứ sau:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
  • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
  • Thiệt hại khác do luật quy định.
  • Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, không quá 50 lần mức lương cơ sở do pháp luật quy định.

– Trường hợp thiệt hại về tính mạng, cần xác định mức bồi thường theo thiệt hại thực tế dựa trên căn cứ sau:

  • Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như đã liệt kê ở trên (nếu có);
  • Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
  • Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
  • Thiệt hại khác do luật quy định
  • Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, không quá 100 lần mức lương cơ sở do pháp luật quy định.

– Trường hợp có thiệt hại về tài sản, cần xác định mức bồi thường căn cứ trên yếu tố sau:

  • Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
  • Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
  • Thiệt hại khác do luật quy định

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120