Theo Bộ luật Dân sự 2015, người hạn chế năng lực hành vi xác lập, thực hiện giao dịch như thế nào?

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

2. Quy định về người hạn chế năng lực hành vi dân sự

Điều 24 Bộ luật Dân sự quy định về Hạn chế năng lực hành vi dân sự như sau:

Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự

1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Về nguyên tắc, người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng trong trường hợp người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan làm đơn yêu cầu Toà án tuyên bố người này bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Điều kiện này nhấn mạnh việc nghiện các chất kích thích, bao gồm ma tuý và hậu quả phải là phá tán tài sản gia đình.

Trên cơ sở yêu cầu này, đương nhiên dựa trên tình hình thực tế mặc dù Điều 24 Bộ luật Dân sự không quy định phải có kết quả giám định của cơ quan y tế nhưng Toà án có thể căn cứ vào những xem xét thực tế để ra quyết định Tuyên bố cá nhân này bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Sau khi có quyết định tuyên bố một cá nhân bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì chính trong quyết định này, Toà án sẽ chỉ định người đại diện cho pháp luật của cá nhân này.

Các giao dịch của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà liên quan đến tài sản thì phải được người đại diện đồng ý. Nếu người đại diện không đồng ý, người đại diện có quyền yêu cầu Toà án tuyên giao dịch đó vô hiệu (Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Những giao dịch mà phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày hay những giao dịch không liên quan đến tài sản thì vẫn do chính người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thực hiện, tự chịu trách nhiệm.

Khi không còn căn cứ để tuyên bố người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, tức là người này không còn bị nghiện ma túy, chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản gia đình thì chính cá nhân này hoặc người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ làm đơn yêu cầu để Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định đã tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.

3. Thủ tục yêu cầu Toà án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

Thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo quy trình thủ tục tương tự như thủ tục tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự.

Bước 1: Nộp hồ sơ pháp lý về yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

Đối với phần hồ sơ nộp cho Tòa án, bạn chuẩn bị hồ sơ như sau:

– Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự;

– Bản sao chứng thực các giấy tờ tùy thân của người nộp đơn và người được yêu cầu tuyên hạn chế năng lực hành vi dân sự;

– Các chứng cứ để chứng minh cho Tòa án thấy rằng yêu cầu của bạn là chính đáng và phù hợp pháp luật.

Bước 2: Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, theo đề nghị của người yêu cầu, Tòa án có thể trưng cầu giám định sức khỏe, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Về kết quả giải quyết việc dân sự, trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu, Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong quyết định tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Tòa án phải xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

 Thẩm quyền giải quyết

Khoản 1 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là yêu cầu dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Theo điểm a khoản 2 Điều 35, điểm a khoản 2 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Toà án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi có tài sản của người bị yêu cầu giải quyết.

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

[…]

  1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
  2. a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;

[…]

 

Điều 40. Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu

[…]

  1. Người yêu cầu có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình trong các trường hợp sau đây:
  2. a) Đối với các yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi có tài sản của người bị yêu cầu giải quyết;

[…]

 

4. Giao dịch dân sự do người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thực hiện, xác lập

Điều 125. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:

a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

Theo Điều 125, khi giao dịch dân sự do người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý.

Tuy nhiên, giao dịch dân sự của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ không bị vô hiệu trong trường hợp:

  • Giao dịch dân sự của nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
  • Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
  • Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã khôi phục năng lực hành vi dân sự.

5. Người đại diện của người hạn chế năng lực hành vi dân sự

Theo khoản 1 Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015 thì Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

Bên cạnh đó, Điều 136 Bộ luật này quy định về Đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ do Tòa án quyết định.

Về cơ chế đại diện

Giám sát và cho phép. Khoản 2 Điều 24 Bộ luật Dân sự quy định: “Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.”

Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không hoàn toàn mất năng lực hành vi dân sự. Cũng như người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, các giao dịch khác đều chỉ có thể được xác lập và thực hiện với sự đồng ý của người đại diện.

 Về phạm vi đại diện

Phạm vi đại diện cho người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự do Toà án quyết định (Khoản 1 Điều 125).

Kết hợp các quy định liên quan, ta kết luận rằng các giao dịch mà người bị hạn chế năng lực hành vi được phép xác lập, tự mình hoặc có sự đồng ý của người đại diện, bao gồm: các giao dịch nhỏ, các giao dịch mà đương sự không thể giao cho người khác thực hiện, dù không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, và các giao dịch mà người đại diện được phép thực hiện dưới danh nghĩa của đương sự trong phạm vi đại diện do Toà án xác định.

6. Tình huống minh hoạ

Con trai chị X nghiện ma túy nên Tòa án ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của chị X, đồng thời chỉ định chị X làm người đại diện theo pháp luật của cháu. Vừa qua, cháu mang xe máy (giấy đăng ký xe máy do cháu đứng tên) đi bán. Xin hỏi việc con chị X bán chiếc xe máy có được pháp luật công nhận hay không?

Theo khoản 2 Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015: “Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 125 Bộ luật Dân sự quy định:

Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”.

Các trường hợp giao dịch dân sự do người bị hạn chế năng lực hành vi xác lập không bị vô hiệu bao gồm:

  • Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
  • Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự

Theo các quy định nêu trên, việc con trai chị X, người đã bị tòa án tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, tham gia giao dịch mua bán xe máy (mặc dù giấy đăng ký xe máy do cháu đứng tên), không có sự đồng ý của chị X và nếu giao dịch này không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 125 thì chị X có thể yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Theo Bộ luật Dân sự 2015, người hạn chế năng lực hành vi xác lập, thực hiện giao dịch như thế nào?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120