Quyền hưởng dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015

Quyền hưởng dụng là một quyền mới được bổ sung vào trong Bộ luật Dân sự năm 2015, cùng với quyền đối với bất động sản liền kề và quyền bề mặt, quyền hưởng dụng được xếp vào nhóm quyền khác đối với tài sản.

Về cơ bản, nội hàm quyền hưởng dụng trong Bộ luật dân sự Việt Nam cũng khá tương đồng với nhiều bộ luật dân sự khác trên thế giới.

Theo đó, quyền này có bản chất pháp lý là một loại vật quyền có thời hạn trên tài sản của người khác, chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật cho phép người khác khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản của chủ sở hữu và chủ sở hữu vẫn giữ lại quyền định đoạt đối với tài sản của mình.

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

2. Quyền hưởng dụng là gì?

quyền hưởng dụngĐiều 257 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.

Theo quy định đưa ra như trên có thể thấy chủ thể có quyền hưởng dụng không phải là chủ sở hữu của tài sản đó nhưng chủ thể có quyền hưởng dụng sẽ được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản của chủ sở hữu và thời gian thực hiện quyền hưởng dụng là một thời hạn nhất định.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà thời hạn hưởng dụng được xác định theo thỏa thuận hoặc được pháp luật quy định hay được ấn định trong di chúc. Khi hết thời hạn nhất định này thì chủ thể có quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt quyền hưởng dụng, chủ thể có quyền hưởng dụng phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

3. Căn cứ xác lập quyền hưởng dụng

Điều 258 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.

  • Xác lập theo quy định của luật: Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của pháp luật là quyền của một cá nhân hay tổ chức được pháp luật cho phép khai thác, sử dụng tài sản của một chủ thể khác mà giữa các chủ thể đó không có giao kết hợp đồng hoặc người hưởng dụng không dựa theo di chúc của cá nhân người lập di chúc để lại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng sau khi người để lại tài sản chết.

Theo đó, dựa trên thực tế có thể thấy hệ thống pháp luật Việt Nam không có một quy định cụ thể nào quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật mà chỉ đưa ra các quy định về việc quản lý tài sản riêng của các con vị thành niên; việc sử dụng, định đoạt tài sản của người con phải vì lợi ích của người con chưa trưởng thành.

Thông thường, các trường hợp phát sinh quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật được sẽ được hình thành dựa trên các yêu cầu cần đảm bảo quyền lợi của một số chủ thể cần được bảo vệ như người già, trẻ nhỏ, người tàn tật,…

  • ác lập theo thỏa thuận: Quyền hưởng dụng được xác lập theo thỏa thuận là việc bên có tài sản là động sản hay tài sản là bất động sản thỏa thuận với bên có hưởng dụng tài sản đó có thời hạn hoặc không có thời hạn.

Theo đó bên hưởng dụng có quyền sử dụng tài sản là đối tượng của hưởng dụng để hưởng hoa lợi, lợi tức hoặc nhằm mục đích để đáp ứng nhu cầu sinh sống của bản thân hoặc của các thành viên trong gia đình người có quyền hưởng dụng theo đúng quy định pháp luật.

Ví dụ: Chị C có một mảnh đất vườn trồng cây ăn quả. Chị có việc phải đi xa 6 tháng nên chị C giao lại khu vườn cho em gái là chị B trông coi, chăm sóc và thoả thuận trong thời gian 6 tháng đó, chị B có quyền hưởng hoa lợi từ những cây trồng trên.

  • Căn cứ thứ ba về xác lập quyền hưởng dụng dựa trên quyền hưởng dụng được xác lập theo di chúc thì chủ sở hữu của tài sản có quyền lập di chúc và trong di chúc đó có quyền chỉ định người thừa kế quyền hưởng dụng tài sản của mình sau khi người lập di chúc chết đi.

Ví dụ: Ông A lập di chúc để lại tài sản là một mảnh đất cho con trai là anh E, nhưng bà B em gái ông A được chỉ định là người hưởng dụng mảnh đất đó.

Trong các căn cứ phát sinh quyền hưởng dụng thì xác lập theo thỏa thuận và di chúc là những căn cứ phổ biến nhất trên thực tế. Theo đó, chủ sở hữu có thể bằng ý chí của mình xác lập hợp đồng với người được quyền hưởng dụng hoặc lập di chúc trao quyền sở hữu tài sản và để lại quyền hưởng dụng cho những người khác nhau được chủ sở hữu lựa chọn.

Tuy nhiên, các thỏa thuận trong hợp đồng cũng có thể theo hướng chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người khác và giữ lại quyền hưởng dụng cho mình.

4. Hiệu lực của quyền hưởng dụng

Điều 259 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

Quyền hưởng dụng đã được xác lập có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Quyền hưởng dụng được xác lập cho người có quyền hưởng dụng căn cứ trên thực tế họ đã nhận chuyển giao tài sản. Có nghĩa là kể từ thời điểm người này nhận chuyển giao tài sản, họ có quyền được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản đó.

Tuy nhiên, nếu luật liên quan có quy định khác hoặc các bên có thoả thuận khác, quyền hưởng dụng sẽ được xác lập theo thời điểm được luật quy định hoặc thời điểm các bên thỏa thuận mà không căn cứ vào thời điểm nhận chuyển giao tài sản.

Thời hạn của quyền được xác định theo Điều 260 Bộ luật Dân sự 2015.

1. Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.

2. Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo đó, thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa là 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.

Trường hợp một người được hưởng dụng suốt đời nhưng cho phép người khác khai thác, sử dụng đối tượng của quyền hưởng dụng thì thời hạn tối đa thực hiện quyền khai thác, sử dụng kết thúc khi người hưởng dụng đầu tiên chết.

Đối với pháp nhân khi được hưởng dụng đến khi giải thể hoặc 50 năm… nhưng sau đó cho phép pháp nhân khác khai thác, sử dụng đối tượng của quyền thì thời hạn tối đa mà pháp nhân thứ hai khai thác, sử dụng là không quá 30 năm tính từ thời điểm pháp nhân đầu tiên bắt đầu hưởng dụng.

5. Quyền và nghĩa vụ của người hưởng dụng

Quyền của người hưởng dụng

  • Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng.
  • Yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 263 của Bộ luật này; trường hợp thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ sở hữu tài sản thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí.
  • Cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.
  • Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức

+ Người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng trong thời gian quyền này có hiệu lực.

+ Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.

Nghĩa vụ của người hưởng dụng

  • Tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký nếu luật có quy định
  • Khai thác tài sản phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản.
  • Giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của mình.
  • Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản.
  • Hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng.

5. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản

  • Định đoạt tài sản nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập.
  • Yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.
  • Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng.
  • Thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản.

6. Chấm dứt quyền hưởng dụng

Điều 265 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Quyền hưởng dụng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  • Thời hạn của quyền đã hết;
  • Theo thỏa thuận của các bên;
  • Người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền;
  • Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định;
  • Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn;
  • Theo quyết định của Tòa án;
  • Căn cứ khác theo quy định của luật.

Chú ý: Điều 266 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng: “Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả cho chủ sở hữu khi chấm dứt quyền hưởng dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trên đây là nội dung tìm hiểu của chúng tôi về chủ đề Quyền hưởng dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120