Quyền thừa kế và quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Ông Bách mất để lại di chúc viết tay, trong đó có nội dung chia tài sản là một căn nhà và 02 mảnh đất thuộc quyền sở hữu của ông cho con trai là anh Quang. Thấy vậy, chị Phương là con gái nhưng không được nhận tài sản nào tỏ ra rất bức xúc.
Đầu năm nay, anh Quang muốn xây nhà thờ họ trên 01 mảnh đất mà ông Bách để lại. Chị Phương nghe nói vậy phản đối kịch liệt và cho rằng anh Quang chỉ có quyền trông coi tài sản mà cha để lại chứ không được tự ý sử dụng.
Luật sư cho tôi hỏi, theo quy định pháp luật, anh Quang có quyền xây nhà thờ trên mảnh đất cha để lại không?
Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:
-
Định nghĩa thừa kế theo Bộ luật Dân sự 2015:
Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản.
Trong đó, thừa kế được chia thành 02 hình thức:
– Thừa kế theo pháp luật: là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định (Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
“Điều 649. Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.”
– Thừa kế theo di chúc: là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống (Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
“Điều 624. Di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Theo đó, đối với thừa kế theo di chúc, khi muốn để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết, người có tài sản thường chọn lập di chúc. Và những người có tên trong di chúc sẽ được hưởng thừa kế theo di chúc này.
Ngoài ra, không chỉ những người có tên trong di chúc mà căn cứ theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
- Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Theo đó, những người sau đây sẽ vẫn được hưởng thừa kế dù nội dung di chúc không để lại tài sản cho họ:
– Con chưa thành niên của người để lại di chúc.
– Cha, mẹ, vợ hoặc chồng của người để lại di chúc.
– Con dù đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Lưu ý: Nếu những đối tượng trên từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản thì không được hưởng di sản theo quy định này.
Đồng thời, căn cứ Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Hiệu lực của di chúc:
“Điều 643. Hiệu lực của di chúc
- Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
- Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
- Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
- Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
- Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.”
Theo đó, Khoản 1 Điều này quy định di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế – thời điểm người để lại di chúc chết.
Do đó, khi người có tài sản vẫn còn sống thì tài sản vẫn thuộc về người đó. Chỉ đến khi chết, nếu người này có lập di chúc thì tài sản sẽ được chia theo di chúc theo ý nguyện lúc còn sống của người để lại di chúc.
Như vậy, có thể hiểu, thừa kế theo di chúc là việc người thừa kế được hưởng di sản do người khác để lại theo di chúc (ý nguyện mà người có tài sản đã lập khi còn sống).
-
Quyền thừa kế theo Bộ luật Dân sự 2015:
Căn cứ theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Quyền thừa kế:
“Điều 609. Quyền thừa kế
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”
Theo đó, pháp luật quy định người thừa kế được hưởng di sản theo mong muốn của người lập di chúc để lại. Vì vậy, trong trường hợp này, việc anh Quang được nhận thừa kế một căn nhà và 02 mảnh đất do cha để lại hoàn toàn hợp pháp.
-
Căn cứ xác lập quyền sở hữu:
Căn cứ theo quy định tại Điều 221 Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Căn cứ xác lập quyền sở hữu:
“Điều 221. Căn cứ xác lập quyền sở hữu
Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây:
- Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
- Được chuyển quyền sở hữu theo thoả thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;
- Thu hoa lợi, lợi tức;
- Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;
- Được thừa kế;
- Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;
- Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
- Trường hợp khác do luật quy định.”
Trong khoa học pháp lý, căn cứ xác lập quyền sở hữu thường được phân loại thành: căn cứ nguyên sinh và căn cứ phái sinh.
Căn cứ nguyên sinh là những căn cứ dẫn đến việc xác lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu đầu tiên đối với tài sản. Căn cứ nguyên sinh bao gồm các trường họp xác lập quyền sở hữu sau đây:
- Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh họp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
- Thu hoa lợi, lợi tức;
- Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chể biến;
Căn cứ phái sinh là những căn cứ dẫn đến việc xác lập quyền sở hữu cho các chủ thể từ chủ thể thứ hai trở đi (tức là tài sản trước đó đã thuộc sở hữu của một chủ thể khác). Căn cứ phái sinh bao gồm các trường hợp sau đây:
- Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;
- Được thừa kế.
Quyền sở hữu cũng có thể được xác lập trong những trường hợp cụ thể khác do pháp luật quy định. Tuy nhiên, các trường hợp cụ thể này đều có thể được phân loại vào một trong hai nhóm căn cứ xác lập quyền sở hữu nêu trên.
- Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;
- Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể, Điều 236 Bộ luật này quy định như sau:
“Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
-
Xác lập quyền sở hữu do thừa kế.
Xác lập quyền sở hữu do được thừa kế là một trong những căn cứ xác lập quyền sở hữu rất phổ biến.
Căn cứ theo Điều 234 Bộ luật dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Xác lập quyền sở hữu do được thừa kế:
“Điều 234. Xác lập quyền sở hữu do được thừa kế
Người thừa kế được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế theo quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật này.”
Cá nhân, tổ chức có thể được hưởng thừa kế tài sản theo di chúc hoặc theo pháp luật, trong đó người thừa kế không phải là cá nhân chỉ có quyền hưởng thừa kế theo di chúc.
Những người thừa kế được xác lập quyền sở hữu đối với di sản thừa kế theo phù hợp với những quy định về thừa kế tại Phần thứ tư Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Trong xác lập quyền sở hữu do được thừa kế, việc xác định thời điểm xác lập quyền sở hữu là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi từ thời điểm đó người được xác lâp quyền sở hữu có thu nhận những lợi ích từ tài sản, gánh vác trách nhiệm liên quan đến nội dung quyền sở hữu cũng như những rủi ro từ tài sản.
Điều 614 Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về việc những người thừa kế có quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại kể từ thời điểm mở thừa kế. Do vậy, thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế là thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản thừa kể chết).
-
Xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức.
Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại. Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Định nghĩa và quy định Hoa lợi, lợi tức được quy định tại Điều 109 Bộ luật dân sự 2015.
Theo Điều 224 Bộ luật dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, hoa tức:
“Điều 224. Xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức
Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó.”
Về mặt nguyên tắc, chủ sở hữu là người có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản của mình. Điều 189 Bộ luật dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
“Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức. Quyền sử dụng có thể chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”.
Khi chủ sở hữu trực tiếp thực hiện quyền sử dụng tài sản của mình và tài sản đó tạo ra hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức này thuộc về chủ sở hữu.
Khi quyền sử dụng tài sản được chuyển giao cho người khác thì việc xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó được thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu có quyền thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản của mình bằng mọi hình thức hợp pháp.
-
Kết luận:
Theo quy định trên, việc anh Quang được thừa kế theo di chúc là căn cứ để xác lập quyền sở hữu của anh đối với tài sản cha để lại là một căn nhà và 02 mảnh đất. Quyền sở hữu của anh Quang với tài sản trên được xác lập, bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Như vậy, anh Quang có quyền xây nhà thờ họ trên mảnh đất cha để lại theo thành ý của bản thân.
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực dân sự hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.
Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0888181120