Tài sản chung của các thành viên hợp tác theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 như thế nào?

Tài sản chung của các thành viên hợp tác theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như thế nào?

Anh Tình, anh Hưng và anh Bách giao kết hợp đồng hợp tác để cùng thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội.

Theo sự thỏa thuận của các bên, anh Tình góp chiếc xe bán tải mà gia đình anh đang sử dụng, còn anh Hưng và anh Bách mỗi người góp 150 triệu đồng để mua thêm một chiếc xe tải chở hàng loại nhỏ. Ba anh cam kết phải góp tài sản trong vòng thời gian 1 tuần sau khi giao kết hợp đồng hợp tác.

Tuy nhiên, đến khi hết thời gian góp tài sản, chỉ anh Tình và anh Hưng thực hiện theo đúng cam kết; còn anh Bách thì mới góp được 50 triệu đồng, 100 triệu đồng còn lại anh Bách góp quá thời gian cam kết 3 tuần.

Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này anh Bách phải có trách nhiệm gì đối với việc chậm góp tiền của mình?

Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:

  1. Thế nào là hợp tác?

Bản chất của hợp tác là sự liên kết của các thành viên cùng thực hiện một công việc hoặc cùng sản xuất, kinh doanh. Để thực hiện công việc đó mỗi thành viên phải đóng góp một phần tài sản theo thỏa thuận và cùng tạo lập nên một khối tài sản chung theo phần của các thành viên.

Pháp luật không giới hạn tài sản đóng góp, cho nên tài sản đóng góp có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản.

Việc hình thành khối tài sản chung của nhiều chủ thể cùng đóng góp đặt ra vấn đề làm thế nào để quản lý, sử dụng khối tài sản đó cho phù hợp với lợi ích của nhóm hợp tác, không xâm phạm lợi ích của bất kỳ thành viên nào,….Và quy định của pháp luật đề ra nhằm điều chỉnh và giải quyết các vấn đề trên.

  1. Nội dung cơ bản về tài sản chung của các thành viên:

Pháp luật ghi nhận tài sản chung của các thành viên bao gồm các nội dung cơ bản sau:

-Thứ nhất: cơ sở hình thành tài sản chung của thành viên tổ hợp tác.

Như đã trình bày ở trên, tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác hình thành trên cơ sở đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác như: được tặng cho chung, được thừa kế chung,…

Việc đóng góp vào tài sản chung phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên. Tài sản góp chung của mỗi tổ hợp tác là khác nhau, tùy vào quy mô, mục đích hợp tác, số lượng thành viên,….

Đối với mỗi tổ hợp tác, tỷ lệ vốn góp của mỗi thành thành viên cũng có thể không đều nhau, có thành viên góp nhiều, có thành viên góp ít tùy vào thỏa thuận và khả năng của mỗi thành viên. Quy định này cũng xác định rõ, hình thức sở hữu của các thành viên hợp tác với tài sản chung là hình thức sở hữu chung theo phần.

Theo đó, sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với khối tài sản chung. Tức, các thành viên hợp tác có quyền và nghĩa vụ tương đương với tỷ lệ góp vốn của mình.

-Thứ hai, hậu quả pháp lý đối với việc chậm góp tiền.

Riêng đối với đóng góp tài sản chung là tiền, thành viên đóng góp chậm sẽ phát sinh trách nhiệm trả lãi. Quy định này xuất phát từ quy định chung tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về trách nhiệm của chủ thể do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Theo đó, thành viên chậm góp tiền sẽ phải trả thêm một khoản lãi trên phần tiền chậm góp tương ứng với thời hạn chậm trả. Lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm, nếu các bên không thỏa thuận về lãi phải trả thì thành viên chậm góp tiền phải trả một khoản lãi với lãi suất 10%/năm.

Hợp đồng hợp tác là hợp đồng ưng thuận, hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết hợp đồng. Khi hợp đồng có hiệu lực chủ thể phải tiến hành thực hiện nghĩa vụ góp tiền, việc chậm thực hiện nghĩa vụ có thể gây thiệt hại cho công việc chung, ảnh hưởng đến lợi ích của cả những thành viên còn lại.

Chính vì vậy, làm phát sinh thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ thể vi phạm nghĩa vụ. Việc bồi thường thiệt hại được tiến hành theo thỏa thuận của các bên.

-Thứ ba, định đoạt tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất và các tài sản khác.

Đây là những tài sản có giá trị lớn, do đó, việc định đoạt những tài sản này như bán, cho thuê,…phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên.

Để đảm bảo tính pháp lý, và chắc chắn rằng việc định đoạt tài sản có thỏa thuận của tất cả các thành viên, cũng như tránh việc xảy ra tranh chấp sau này thì thỏa thuận của các bên phải được lập thành văn bản.

Đối với những tài sản còn lại việc định đoạt tài sản do đại diện các thành viên quyết định trong phạm vi quyền và nghĩa vụ của mình. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

-Thứ tư, nguyên tắc phân chia tài sản chung.

Về nguyên tắc, trước khi hợp đồng chấm dứt thì không thể phân chia tài sản chung, do đó các bên không thể chia tài sản trong thời hạn thực hiện hợp đồng.

Tài sản là công cụ để các thành viên thực hiện công việc, sản xuất, kinh doanh để đạt được mục đích của hợp đồng. Việc một bên chia tài sản chung trong thời hạn thực hiện hợp đồng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện công việc, khiến cho các bên còn lại không đạt được lợi ích của mình, gây nên thiệt hại lớn.

Vì vậy, trước khi chấm dứt hợp đồng các bên không được chia tài sản chung, nếu chia trong thời hạn thực hiện hợp đồng thì phải có sự đồng ý, nhất trí của tất cả các thành viên hợp tác. Bởi khi các thành viên còn lại đề thống nhất ý chí, thỏa thuận cho phép phân chia, tức việc chia không làm ảnh hưởng đến lợi ích của ai.

Bản chất của quy định này là nhằm bảo vệ lợi ích chung nhóm hợp tác, tránh trường hợp một bên đột ngột tự ý chia tài sản gây thiệt hại cho những chủ thể khác.

-Thứ năm, mối liên hệ giữa phân chia tài sản chung với quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác, theo thỏa thuận của các bên thì tài sản chung có thể được phân chia. Nhưng việc phân chia tài sản chung trong thời hạn thực hiện hợp đồng không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

Việc chia tài sản có thể do tại thời điểm đó, công việc thực hiện đã không cần đến việc tiếp tục sử dụng tài sản chung nữa, nhưng nghĩa vụ của các thành viên thì vẫn còn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, thỏa thuận chia tài sản của các chủ thể hợp tác không là căn cứ làm chấm dứt hợp đồng hợp tác.

Do đó, các bên vẫn phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình theo nội dung hợp đồng đã thỏa thuận cho đến khi hợp đồng chấm dứt hiệu lực.

Những quy định trên là cơ sở pháp lý để các thành viên hợp tác thực hiện trong quá trình chiếm hữu, sử dụng, định đoạt khối tài sản chung của mình. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở xác định quyền, nghĩa vụ của mỗi thành viên và là căn cứ để giải quyết tranh chấp trong trường hợp nội dung hợp đồng hợp tác không có quy định.

  1. Quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về Tài sản chung của các thành viên hợp tác:

Căn cứ theo quy định tại Điều 506 Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tài sản chung của các thành viên hợp tác.

“Điều 506. Tài sản chung của các thành viên hợp tác

1.Tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác.
Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này và phải bồi thường thiệt hại.

2.Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3.Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận.

Việc phân chia tài sản chung quy định tại khoản này không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ được xác lập, thực hiện trước thời điểm tài sản được phân chia.

Theo đó, Khoản 1 Điều này quy định rõ trong trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả và phải bồi thường thiệt hại.

  1. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo Bộ luật Dân sự 2015:

Việc trả lãi đối với phần tiền chậm trả sẽ theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể:

“Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền

1.Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

2.Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.

Theo đó, Khoản 1 Điều này quy định trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

  1. Quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về Lãi suất:

Căn cứ theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

Điều 468. Lãi suất:

  1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

  1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
  • Lãi suất vay do các bên thỏa thuận:

Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; cụ thể:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Như vậy, lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức 20%/năm.

  • Trường hợp không có thỏa thuận của các bên:

Nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; cụ thể: 2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

  1. Kết luận:

Trong trường hợp này, các bên không có thỏa thuận về lãi suất do chậm trả tiền; do đó, mức lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn, tương đương với 50% của 20%/năm, tức là 10%/năm (theo Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Từ các căn cứ nêu trên, số tiền lãi mà anh Bách phải trả do chậm góp số tiền 100 triệu trong vòng 3 tháng được tính là: 100 triệu x (10%/năm :12) x 3 tháng = 2.500.000 đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực dân sự hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.

Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0888181120

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120