Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như thế nào về ly hôn đơn phương và quyền nuôi con?
Em ở Nghệ An, muốn ly hôn với chồng, mà chồng em ở Hải Phòng. Toà án nói em là người kiện, chồng em là bị đơn nên em phải nộp đơn ở Hải Phòng.
Em có 1 đứa con 18 tháng (bé nằm trong hộ khẩu nhà ngoại) và em đang mang bầu 7 tháng. Trong thời gian ở với nhau, chồng em đánh em mấy lần, và đã về quê được 3 tháng rồi.
Luật sư cho em hỏi, em có thể nộp đơn thuận tình ly hôn khi chồng em không đồng ý ly hôn không? Nếu em nộp đơn ly hôn đơn phương qua đường bưu điện mà không có mặt tại Tòa thì Tòa có giải quyết cho em không? Sau khi ly hôn, em có được nuôi 2 bé không?
Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:
-
Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự:
Tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: “a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.
Theo đó, đối với trường hợp của bạn thì thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc Thẩm quyền Tòa án tại Hải Phòng nơi chồng bạn đang cư trú. Tuy nhiên, vợ chồng bạn có thể tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi bạn cư trú, làm việc để giải quyết theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố Tụng dân sự năm 2015.
“b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”
-
Quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Ly hôn đơn phương:
-
Tình nghĩa vợ chồng:
Theo quy định tại Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về Tình nghĩa vợ chồng
“Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng
- Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
- Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”
Theo đó, khi chồng bạn đã không có trách nhiệm với gia đình và không thực hiện các nghĩa vụ của vợ chồng thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật.
-
Thuận tình ly hôn:
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về Thuận tình ly hôn: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.
Việc yêu cầu ly hôn trong trường hợp này chỉ là mong muốn của một mình bạn, không có sự tự nguyện ly hôn của cả hai vợ chồng, chưa thỏa thuận về việc chia tài sản hay trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Vì vậy, đối với trường hợp của bạn không được coi là trường hợp thuận tình ly hôn. Do đó, vụ việc của bạn không phải là ly hôn theo hình thực thuận tình.
-
Ly hôn theo yêu cầu của một bên:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Ly hôn theo yêu cầu của một bên:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
Trong thời gian ở với nhau, chồng bạn có đánh bạn mấy lần và đã về quê được 3 tháng rồi làm cho tình trạng hôn nhân của các bạn trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Bạn mong muốn ly hôn thì việc ly hôn của bạn được giải quyết theo hình thức ly hôn đơn phương theo quy định của pháp luật.
-
Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án:
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. “1. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
….b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;”
Theo đó, việc bạn gửi đơn qua đường bưu điện là đúng quy định.
-
Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án nếu bạn không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án thì Tòa án sẽ đình chỉ, bởi vì trong vụ án ly hôn đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.
Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”
Thì họ là người đại diện theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
“4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”
-
Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
“3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Theo đó, con bạn hiện nay mới 18 tháng tuổi và đang bầu 7 tháng, cả hai bé đều dưới 36 tháng tuổi nên đương nhiên sẽ được giao cho bạn trực tiếp nuôi, trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hoặc bạn và chồng bạn có thỏa thuận khác.
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực hôn nhân và gia đình hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.
Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0888181120