Tôi và bác ruột cùng đứng tên đồng sở hữu một mảnh đất. Xin hỏi: Nếu bác tôi qua đời thì tôi có được toàn quyền sử dụng phần đất trên hay phải chia tài sản của bác tôi?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật PT. Nội dung câu hỏi của bạn Chúng tôi xin tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Quy định về sở hữu chung
Căn cứ quy định tại Điều 207 Bộ luật Dân sự 2015 về sở hữu chung và các loại sở hữu chung như sau:
“Điều 207. Sở hữu chung và các loại sở hữu chung
- Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản.
- Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.”
Theo quy định trên, sở hữu chung là trường hợp nhiều chủ thể cùng có quyền sở hữu đối với một tài sản. Đất đồng sử dụng hay nói cách khác là nhiều chủ thể có quyền đối với một mảnh đất, nội dung này được ghi nhận và hợp thức hóa trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một chứng thư pháp lý chứng minh quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Quyền sử dụng đất này có thể là sử dụng chung theo phần hoặc sử dụng chung hợp nhất. Quyền sử dụng đất chung theo phần là xác định được phần quyền sử dụng riêng của mỗi người đối với thửa đất. Quyền sử dụng đất chung hợp nhất là không xác được phần quyền sử dụng riêng của mỗi người đối với thửa đất, những người sử dụng đất này có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với quyền sử dụng đất chung.
3. Quy định về thừa kế di sản là quyền sử dụng đất
Điểm đ, khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định về Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất như sau:
“1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
đ) Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó;”
4. Ý kiến tư vấn
Trong thông tin bạn cung cấp chưa đề cập đến quyền sử dụng đất này là sở hữu chung theo phần hay sở hữu chung hợp nhất. Tuy nhiên dù trong trường hợp nào, khi bác bạn qua đời thì phần quyền sử dụng đất của bác bạn sẽ không chuyển sang cho bạn mà được chia thừa kế theo di chúc (nếu có) hoặc chia theo pháp luật nếu thuộc các trường hợp quy định tại 650 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:
“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.“
Trong đó, di sản thừa kế sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
2. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của bạn.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!