Xin chào Công ty Luật PT, tôi có câu hỏi cần tư vấn: Tôi và vợ kết hôn năm 2011 và có 1 con gái chung sinh năm 2013. Năm 2016, tôi và vợ ly hôn, vợ tôi giành được quyền nuôi con. Gần đây, tôi phát hiện vợ tôi mắc bệnh trầm cảm. Tôi sợ bệnh tình của cô ấy sẽ làm ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái. Vậy tôi có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật PT. Nội dung câu hỏi của bạn Chúng tôi xin tư vấn như sau:
Khi ly hôn, nếu hai vợ, chồng có thỏa thuận thì Tòa án sẽ công nhận và giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng theo đúng thỏa thuận của cha, mẹ.
Nếu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Đáng chú ý, trong quá trình quyết định ai nuôi con sau khi ly hôn, nếu con đã đủ 07 tuổi trở lên thì việc giao con cho ai nuôi dưỡng phải xem xét nguyện vọng của con. Riêng con dưới 36 tháng sẽ giao cho mẹ nuôi trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện hoặc có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp, sau khi giành được quyền nuôi con, cha hoặc mẹ lại không quan tâm đến con, thậm chí còn bạo lực gia đình… không đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con thì người trực tiếp nuôi con có thể được thay đổi.
1. Căn cứ pháp lý
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
2. Quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn như sau:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.”
Căn cứ theo quy định trên thì trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân tổ chức bao gồm người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ thì tòa án sẽ xem xét và có thể ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con dựa trên cơ sở lợi ích của con.
Như vậy, bạn có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con từ vợ bạn sang cho bạn khi bạn có một trong các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con
- Trường hợp không thỏa thuận được với nhau thì bạn cần chứng minh được Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con
- Ngoài ra, con bạn đã trên 7 tuổi bạn cần xem xét nguyện vọng của con về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con
3. Thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
Hồ sơ cần chuẩn bị
- Đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con hoặc đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.
- Quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hạn, sổ hộ khẩu.
- Giấy khai sinh của con.
- Các chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con (áp dụng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc khởi kiện thay đổi quyền nuôi con khi người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con).
Địa điểm nộp hồ sơ
Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hay yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình đều là tranh chấp/yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo quy định tại khoản 3 Điều 28, khoản 3 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Căn cứ điểm a khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết việc tranh chấp hoặc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Đồng thời, điểm i khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“i) Tòa án nơi một trong các bên thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết;”
Như vậy, thẩm quyền giải quyết thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi một trong hai bên thỏa thuận thay đổi nuôi con cư trú, làm việc hoặc Tòa án cấp huyện nơi người con đang cư trú.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của bạn.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!