Tội giết người theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

Tôi muốn hỏi về Tội giết người theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể:

Chị Lan, 28 tuổi, lấy chồng là anh Khánh (sĩ quan quân đội). Trong những năm đầu họ chung sống với nhau rất hạnh phúc và đã có 2 con.

Thế nhưng, kể từ đầu năm 2021 Khánh bị đám bạn xấu lôi kéo vào cuộc sống xa đọa. Lương và tiền làm thêm Khánh không đưa về nuôi gia đình mà mang đi bao một cô tiếp viên nhà hàng tên là Quyên.

Mỗi khi về nhà Khánh còn thường xuyên nhiếc mắng, đánh đập, hắt hủi Lan. Lan nhiều lần khuyên nhủ nhưng Khánh vẫn không nghe. Lan rất ghen tức nên có ý định giết Khánh và Quyên.

Ngày 24/4/2022, biết đôi tình nhân hẹn gặp nhau ở nhà trọ của Quyên, Lan lấy khẩu súng K54 Khánh để ở nhà (khẩu súng này Khánh được giao khi làm nhiệm vụ) đến đó phục.

23 giờ cùng ngày, thấy Khánh đi cùng với Quyên và một tiếp viên khác về nhà trọ, Lan dùng súng bắn Khánh nhưng Khánh chỉ bị thương, Lan lại dùng súng bắn Quyên, không ngờ Quyên lại không việc gì, mà cô tiếp viên đi bên cạnh là Hà bị trúng đạn chết.

Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này Lan phạm tội gì? Pháp luật quy định như thế nào về tội danh đó?

Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:

1.Tội giết người:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội giết người:

“Điều 123. Tội giết người

1.Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.”

Theo đó, giết người được hiểu là hành vi cố ý tước đoạt sự sống của người khác một cách trái pháp luật.

Khách thể của tội giết người là quyền sống của con người. Đối tượng tác động của nó là con người đang sống, đang tồn tại. Trong trường hợp này, hành vi của Lan đã xâm hại tới quyền sống của Khánh, Quỳnh, Hà. Đối tượng tác động của hành vi phạm tội của Lan chính là Khánh, Quỳnh, Hà.

Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện ở hành vi khách quan tước đoạt quyền sống của người khác, tức là hành vi có khả năng trực tiếp gây ra cái chết của nạn nhân, chấm dứt sự sống của họ. Hành vi tước đoạt tính mạng (quyền sống) của người khác trong mặt khách quan của tội giết người phải là hành vi trái pháp luật.

Căn cứ vào các tình tiết của vụ án cho thấy, hành vi dùng súng K54 bắn vào Khánh và Quỳnh của Lan là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến quyền sống của Khánh và Quỳnh. Đây là hành vi tước đoạt sự sống của Khánh và Quỳnh một cách trái phép, bị pháp luật cấm.

Hậu quả chết người không phải là dấu hiệu bắt buộc (dấu hiệu định tội) của tội này, mà nó chỉ là dấu hiệu để xác định tội phạm hoàn thành. Nếu hậu quả chết người không xảy ra vì do nguyên nhân chủ quan thì hành vi phạm tội được coi là giết người chưa đạt.

Trong trường hợp hậu quả chết người xảy ra người định tội danh cần phải kiểm tra mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả đó để từ đó xác định mức độ trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Phạm tội chưa đạt như sau:

“Điều 15. Phạm tội chưa đạt
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.”

Ở đây, hành vi của Lan chưa gây ra cái chết cho nạn nhân là Khánh và Quỳnh nên theo Điều 15 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Phạm tội chưa đạt, thì đây là trường hợp giết người chưa đạt. Còn cái chết của chị Hà được coi là hậu quả của hành vi giết người chưa đạt này gây ra.

Chủ thể của tội giết người:

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự: “2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”.

Theo đó, chủ thể của tội này là bất cứ ai có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt từ đủ 14 tuổi trở lên. Trong trường hợp này, Lan 28 tuổi, đã xây dựng gia đình với Khánh được nhiều năm và không có biểu hiện gì của người mất hoặc hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự.

Như vậy, Lan là người đã thoả mãn đầy đủ các điều kiện của chủ thể tội giết người.

Mặt chủ quan của tội giết người thể hiện ở dấu hiệu lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp. Dấu hiệu mục đích và động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Lan có ý định giết Khánh và Quỳnh, khi biết hai người này hẹn hò nhau tại nhà trọ của Quỳnh, Lan đã lấy súng K54 phục trước nhà trọ của Quỳnh, sau đó bắn hai người này. Chi tiết này cho thấy Lan thực hiện hành vi phạm tội bằng lỗi cố ý trực tiếp, Lan biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật cấm nhưng vẫn cố tình thực hiện, bởi Lan mong muốn tước đoạt tính mạng của Khánh và Quỳnh nhằm thoả mãn sự ghen tuông cá nhân.

Ngoài ra, căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

“Điều 123. Tội giết người

1.Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;”

Ở đây, Lan đã cùng lúc muốn giết 2 người là Khánh và Quỳnh, phạm tội trong trường hợp giết nhiều người. Như vậy, các căn cứ pháp lý trên đã cho thấy rõ Lan phạm tội giết người chưa đạt.

2.Tội vô ý làm chết người:

Căn cứ theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội vô ý làm chết người:

“Điều 128. Tội vô ý làm chết người

  1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”

Trong trường hợp này, Lan dùng súng bắn Khánh và Quỳnh nhưng làm cô tiếp viên đi bên cạnh là Hà bị trúng đạn chết. Mục đích của Lan là giết chết Khánh và Quỳnh chứ không phải Hà.

Việc Hà trúng đạn chết nằm ngoài ý chí của Lan, vì vậy, hậu quả gây ra cái chết của Hà là từ hành vi vô ý của Lan. Chính vì thế, Lan đã phạm tội vô ý làm chết người theo quy định trên.

Tuy nhiên, việc Lan làm chết chị Hà không phải là kết quả của một hành vi vô ý thông thường mà là kết quả của hành vi cố ý giết người khác. Nếu định tội là vô ý làm chết người thì sẽ đánh giá sai tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó.

Cho nên không cần định thêm tội vô ý làm chết người, chỉ cần định một tội là tội giết người (chưa đạt) và coi việc làm chết chị Hà là một hậu quả của hành vi giết người (chưa đạt) nói trên.

Về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người chưa đạt mà gây ra hậu quả làm chết người khác này có thể coi như trường hợp giết người đã hoàn thành.

3.Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự:

Căn cứ theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 304 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự:

“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.”

Khách thể bị tội phạm xâm hại là các quy định của Nhà nước về an toàn công cộng liên quan tới vũ khí quân dụng.

Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Đây là tội có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi khách quan sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Hậu quả phạm tội không có ý nghĩa cho việc định tội danh.

Mặt chủ quan của tội phạm thể hiện bằng dấu hiệu lỗi cố ý. Mục đích và động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Chủ thể của tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt từ đủ 14 tuổi trở lên theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Dựa trên cơ sở phân tích các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng nêu trên và căn cứ vào các tình tiết diễn biến của vụ án cho thấy:

Hành vi của Lan dùng súng K54 để bắn Khánh và Quỳnh, Hà là hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Nó đã xâm phạm trực tiếp những quy định của Nhà nước về an toàn công cộng liên quan tới vũ khí quân dụng.

Hành vi này được Lan thực hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp. Nó đã gây ra hậu quả nghiêm trọng là làm Khánh bị thương và tước đi mạng sống của Hà. Vì vậy, Lan đã phạm tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Như vậy, Lan đã phạm tội Giết người theo Điểm a Khoản 1 Điều 123, tội Vô ý làm chết người theo Khoản 1 Điều 128 và Tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điểm c Khoản 2 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực hình sự hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.

Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0888181120

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120